Các biện pháp xử lý nền đất yếu

Đăng ngày 26/11/2021

Xử lý bằng cọc vôi và cọc đất – xi măng

Đầu tiên là đối với cọc vôi. Cọc vôi thường được sử dụng để xử lý các nền đất yếu như: đất sét, than bùn, bùn… Việc sử dụng cọc vôi mang lại những tác dụng như sau:

  • Sau khi cọc vôi được đầm chặt, đường kính cọc vôi sẽ tăng lên khoảng 20% làm cho phần đất xung quanh được nén chặt lại.
  • Vôi được tôi trong lỗ khoan sẽ tỏa ra nhiệt lượng khá lớn khiến cho lỗ rỗng nước trong đất nhanh chóng được bay hơi. Đất giảm độ ẩm và đẩy nhanh quá trình nén chặt đất.
  • Nền đất sẽ được cải thiện đáng kể sau khi sử dụng cọc vôi. Độ ẩm đất giảm từ 5-8%, lực dính thì lại được tăng lên khoảng 1.5 – 3 lần.
 

Còn cọc đất – xi măng thì cũng được chế tạo tương tự như cọc vôi. Xilô chứa xi măng và được phun vào đất với tỷ lệ đã định trước. Hãy lưu ý là nên sàng xi măng trước khi đổ vào xilô.

Việc làm này nhằm giúp cho xi măng không bị vón cục. Và các hạt xi măng sẽ có kích đều nhau (<0,2mm) sẽ không làm tắc ống phun. Và qua nhiều kết quả thử nghiệm cũng như ứng dụng cho thấy rằng gia cố đất bằng xi măng sẽ tốt hơn bằng vôi. Và khả năng kháng xuyên của nền đất được tăng lên 4-5 lần so với ban đầu. 

Phương pháp xử lý nền đất yếu bằng đệm cát

Đối với các nền đất yếu ở trạng thái bão hòa nước như: sét nhão, sét pha nhão, cát pha, bùn, than bùn… và có chiều dày nhỏ hơn 3m thì nên sử dụng phương pháp đệm cát. Biện pháp này được thực hiện khá đơn giản.

Việc mà chúng ta cần làm đó là đào bỏ một phần hoặc toàn bộ phần đất yếu bỏ đi (đối với trường hợp đất yếu có chiều dày bé). Sau khi đào đất bỏ đi thì thay vào đó là một lớp cát hạt trung, hạt thô đầm chặt.

Biện pháp thay thế lớp đất yếu bằng cách đệm cát mang lại những tác dụng chủ yếu như sau:

  • Phần đệm cát sẽ nằm dưới đáy móng thay thế cho lớp đất yếu. Lớp đệm cát như là một lớp chịu tải, tiếp thu tải trọng và truyền tải trọng.
  • Giảm chiều sâu chôn móng nên giúp giảm khối lượng vật liệu làm móng
  • Cát được nén chặt làm tăng ma sát và chống trượt giúp tăng khả năng ổn định cho công trình.

Đây là biện pháp cải tạo nền đất yếu đơn giản, không đòi hỏi sự hỗ trợ từ nhiều thiết bị phức tạp nên được sử dụng rộng rãi. Không nên áp dụng phương pháp này với nền đất có mực nước ngầm cao.

Cách xử lý nền đất yếu bằng cách đầm chặt lớp đất mặt

Đối với trường hợp nền đất yếu và có độ ẩm nhỏ (G<0,7) thì nên sử dụng phương pháp đầm chặt đất mặt. Lớp đất mặt sau khi được đầm chặt thì có tác dụng như tầng đệm đất. Không những có ưu điểm như phương pháp đệm cát mà nó còn tận dụng được nền đất thiên nhiên. Giảm khối lượng đất đào đắp.

Hiện nay có nhiều cách để đầm chặt lớp đất mặt. Nhưng biện pháp thường hay sử dụng nhất đó chính là đầm xung kích. Với phương pháp này, quả đầm sẽ có trọng lượng 1-4 tấn hoặc 5-7 tấn. Đường kính phải lớn hơn 1m.